Cách đây khá
lâu, tôi đã có lần đọc câu chuyện về những người phạm nhân ở trong trại cải tạo
và mối tương quan đồng cảm của những người giám thị trại giam dành cho họ, đó
là chia sẻ về Phật pháp, đặc biệt là đối với những tử tội.
Hãy tưởng tượng rằng những
người đang phải đếm ngược cái chết đến từng ngày, từng giờ khi thân thể vẫn còn
đang khỏe mạnh, đó chính là nỗi ám ảnh, sợ hãi khiến tinh thần con người có thể
trở nên bấn loạn, mất lý trí và họ trở thành người tâm thần, rồ dại có thể dẫn đến những việc làm tiêu cực,
chẳng hạn như nguyền rủa người xung quanh, la hét, thậm chí tự vẫn trước ngày
thi hành án.
Trong những thời khắc sống
chỉ để chờ đợi tiếng gọi tử thần trong đêm, là nghe tiếng chân đi, tiếng mở khóa buồng giam trong thân thể lạnh toát
để trả án bằng quy luật nhân quả “giết người thì đền mạng”, khi đó người
phạm tội mới nhận ra mỗi giây phút được sống với họ là niềm hạnh phúc, một luồng
ánh sáng trong trẻo bên ngoài khung cửa phòng biệt giam, nơi cách biệt giữa tự
do và giam cầm là điều đáng quý, nhưng dường như, con người thường chỉ nhận ra
những giá trị sống trong những giây phút cận kề sinh tử, khi cuộc sống không
còn như lúc bình thường mới thấy những điều ngỡ là bình thường trở nên quý giá. Thế nhưng đâu phải ai
cũng may mắn sinh ra trong những gia đình có điều kiện để được dạy bảo đến nơi
đến chốn, để được lo lắng bảo bọc không mắc phải sai lầm, đâu phải ai cũng đủ mạnh
mẽ, tỉnh táo để vượt qua được tham vọng, vượt qua những cái bẫy của tiền tài địa vị, để rồi khi rơi vào đó, con
người phải trải qua những khúc ngoặt làm thay đổi cuộc đời mình, thay đổi suy nghĩ của mình thậm chí
có những người không còn cơ hội để thay đổi nữa.
Câu chuyện một giám thị trại
giam ngồi nói chuyện cùng một phạm nhân về những triết lý nhân sinh trong Phật
pháp mà tôi được đọc
khá lâu nhưng vẫn còn nguyên vẹn sự thâm trầm trong tâm tưởng, đó như hình ảnh ở hai bờ đối lập trong
bản ngã một con người, giữa thiện và ác, giữa sự nghiêm khắc và bao dung, để mỗi
người dù có rơi vào tận cùng khúc quanh nào cũng thấy đâu đó có một vầng ánh
sáng, để họ không hoàn toàn rơi vào bóng đêm dù ngoài kia là những bức tường sắc
lạnh.
Triết lý sẽ thật sự trở
nên vô nghĩa nếu con người chỉ nói suông mà không thể vận dụng nó vào bất kỳ
hoàn cảnh, tình huống nào, nhưng câu chuyện “Lời kinh sau những buồng biệt giam” sẽ là một câu chuyện đầy tính
nhân văn, đầy tình người bởi nó đã hiện thực hóa lòng từ bi trong đạo Phật một
cách sâu sắc nhất, bởi tình thương của Phật dành cho chúng sinh đều bình đẳng
như nhau, không phân biệt là người tự do hay một kẻ tội đồ, tình thương trong
triết lý từ bi nhà Phật có thể giúp an ủi, nâng đỡ và chữa lành vết thương lâu năm, có thể tha thứ tội
lỗi trong tiềm thức con người để cứu rỗi tha nhân vẫn còn đang bế tắc, lần mò trong cảm giác mặc cảm,
trong tự ti, hay những thời khắc hoang mang, cuồng dại nhất.
Nếu người tự do, đang có đời
sống hạnh phúc bên ngoài cần đến Phật một thì người đang ở trong hoàn cảnh lao
tù lại cần đến Phật gấp nhiều lần, bởi nơi đó chứa đựng nhiều bí bách nội tâm
mà con người cần có một phương pháp, một bàn tay tháo gỡ, vậy thì còn gì phù hợp
hơn khi những lời Kinh Phật được mang vào nơi đó, nơi có những con người cần phục
thiện hoàn lương, cần giải tỏa được những áp lực tội lỗi, cần sửa đổi từ người
tà thành người chánh, nơi đó chính là nơi giáo lý nhà Phật bộc lộ hết những nội hàm và giá
trị không chỉ tín ngưỡng tâm linh, mà còn là tình thương yên dịu nhất.
Nhân loại luôn trầm luân,
lặn ngụp trong muôn vàn biển khổ, cái khổ tận cùng là khi mất đi sự tự do, là
khi sự sống của mình phải nằm trong tay người khác, chờ ngày định đoạt, sẽ thật
đáng sợ nếu thời điểm đó, hoàn cảnh đó con người không có phương pháp nào buông
xả và cứu chữa, là phải đối diện với sự xáo trộn tâm lý cùng kiệt để đương đầu
với nỗi cô đơn, sợ hãi tận cùng, trong những nút thắt đó, giáo lý nhà Phật đã
chỉ ra được cho con người những lý do của nỗi thống khổ và dẫn dắt chúng sinh đi qua con đường thoát khỏi
trầm lao cả về thể xác
lẫn tinh thần, từ đó hóa giải nỗi sợ hãi của con người về “cái chết” để chúng ta có thể sám hối và nhẹ nhàng đón
nhận thời khắc sinh tử như một quy luật tự nhiên, trong thân giả tạm này, không còn đau đớn nữa.
Đạo Phật rực rỡ và đẹp đẽ
từ ánh đạo mầu trong những ngôi Chùa, là hình ảnh an yên từ những đạo tràng với
phật tử áo lam thuần thành, tay búp sen và tâm rỗng lặng, nhưng đạo Phật càng đẹp
hơn, từ bi hơn khi lan tỏa đến những nơi đang đầy nặng phận đời của những người
yếu thế, những người đang phải mang trên mình cái nhìn khác biệt của cộng đồng.
Để thấy rằng Phật luôn đến với tha nhân trong tình thương và sự thấu cảm sâu xa nhất, trong mắt Phật
không có tội đồ, không có người sang kẻ hèn, người được kẻ mất, người tốt kẻ xấu,
trong mắt Phật và ngọn từ bi của Phật tỏa xuống cõi tục trần này đều phẳng lặng
như nhau, bất kỳ người đó là ai, một khi tiếp nhận, cảm thụ và đến với Phật bằng
niềm tin, tình thương thì luôn có được sự che chở tâm hồn.
Khi Nghị Định số 95/2023/NĐ-CP
của Chính phủ ban hành vào ngày 29 tháng 12 năm 2023, có hiệu lực thi hành từ
ngày 30 tháng 3 năm 2024 về “Quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật
Tín ngưỡng Tôn giáo”, trong đó có tại Điều
4 quy định “Việc sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn
giáo theo quy định tại khoản 5 Điều 6 của
Luật tín ngưỡng, tôn giáo”
như sau:
1. Người bị tạm giữ, người
bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người
đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo
dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi là người
bị quản lý, giam giữ) được sử dụng kinh sách xuất bản dưới hình thức sách in,
phát hành hợp pháp để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của cá
nhân và được bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo bằng lời nói hoặc hành vi của
cá nhân theo quy định của pháp luật về nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam,
trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây
gọi là cơ sở quản lý, giam giữ).
2. Việc sử dụng kinh sách,
bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của người bị quản lý, giam giữ tại cơ sở
quản lý, giam giữ không được làm ảnh hưởng đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của người khác và không trái với quy
định của pháp luật có liên quan.
3. Việc bảo đảm và quản lý
kinh sách; thời gian, địa điểm sử dụng kinh sách và bày tỏ niềm tin tín ngưỡng,
tôn giáo cho người bị quản lý, giam giữ tại cơ sở quản lý, giam giữ được thực
hiện theo nội quy, quy chế của cơ sở quản lý, giam giữ. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ
trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ
thể việc ban hành nội quy, quy chế của cơ sở quản lý, giam giữ thuộc phạm vi quản
lý.
Có thể thấy rằng Nghị định được ban hành với điều
lệ trên là một tinh thần nhân
văn giữa người và người vì đã góp phần rất lớn vào việc mang tính ngưỡng
tôn giáo đến cho người bị tạm
giam, tạm giữ nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh tín ngưỡng của chúng sinh, việc gieo trồng tinh thần từ bi, sự tu tập
quán niệm bản thân, biết sám hối những điều chưa lành để chuyển hóa thành điều
lành từ người phạm tội,
để khi được trở về đời sống bình thường, họ có thể sống tốt hơn, biết cách vượt
qua những rào cản tâm lý, biết cách đối diện với những thử thách trong đời sống
hằng ngày mà không rơi vào bi quan, tiêu cực.
Pháp luật vận dụng tinh thần
đạo giáo, đặc biệt là đạo Phật vào việc giáo hóa chúng sinh là điều vô cùng cần
thiết, đặc biệt là đối với những người đang rơi vào góc kẹt nội tâm, những người
yếu thế ngoài xã hội, bởi đó không chỉ góp phần làm giảm bớt áp lực đau khổ cho con người mà còn
giúp họ hướng thiện từ bên trong, để cảm thấy lòng người, tình người trong căn phòng biệt giam, trong khu xà
lim không chỉ toàn lạnh lẽo.
“Những lời Kinh từ buồng biệt giam” sẽ là
những lời Kinh đầy tình thương, lòng từ bi trắc ẩn của người nhà Phật dành cho những người lầm lỡ, là ngọn
đèn soi cho họ giữa mê
mịt cuộc đời, là ngọn nguồn nước mát tỏa xuống những ngày tháng đau khổ và buồn
tủi giúp con người có một lý tưởng sống tốt hơn, đó không còn là những triết lý
suông trong kinh điển mà đã cứu rỗi cho thật nhiều người, giúp họ bước ra ánh
sáng từ những vũng lầy tăm tối.
Nhân sinh có câu “Quay đầu là
bờ” hàm chứa rằng trong đời người, không ai là không một lần phạm lỗi nhưng nếu
biết nhìn nhận và sửa đổi sẽ không ai lại không có sự bao dung, mà sự bao dung
của Phật để hướng thiện cho người đời càng vị tha, rộng mở hơn thế nữa.
Tôi mong những lời Kinh
này sẽ không chỉ dừng lại trên quyển sách mà còn được tiếp diễn bằng những lời
giáo huấn của những bậc chân tu, để giáo lý nhà Phật không chỉ dừng lại ở những
ngôi Chùa mà có thể đến những nơi này, nơi mà những phận người trầm lao đang rất
cần sự yêu thương, chia sẻ và giác ngộ từ tấm lòng nhà Phật.
Võ Đào Phương Trâm (An Tường Anh).
Link bài viết đăng tải:
https://www.niemphat.vn/loi-kinh-tu-nhung-buong-biet-giam
https://baomoi.com/loi-kinh-tu-nhung-buong-biet-giam-c48722314.epi
https://thuvienhoasen.org/a40989/loi-kinh-tu-nhung-buong-biet-giam
https://quangduc.com/a76694/loi-kinh-tu-nhung-buong-biet-giam
https://thuvienphatquang.com/loi-kinh-tu-nhung-buong-biet-giam/
Nhận xét
Đăng nhận xét